Ngày 19/10/2020 vừa qua, chính phủ đã ban hành nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; Qua đó nghị định đã quy định nhiều chính sách quan trọng như thời hạn mới thay thế hóa đơn giấy bằng hóa đơn điện tử, các hướng dẫn sử dụng hóa đơn.v.v.. Do đó, nghị định này đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều văn bản pháp luật trước đó.
Mục lục
1. Nghị định 119/2018/NĐ-CP: Bãi bỏ một số quy định
Ngày 12/09/2018, chính phủ đã ban hành nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về sử dụng hóa đơn điện tử trong bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý thuế các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan tới việc quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử. Quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử.
Trong đó, có 2 nội dung đáng chú ý:
- Khoản 2 Điều 35 Nghị định 119/2018/NĐ-CP:
“Việc tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định của Nghị định này thực hiện xong đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh chậm nhất là ngày 01 tháng 11 năm 2020.” - Khoản 4 Điều 35 Nghị định 119/2018/NĐ-CP:
“ Kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2020, các Nghị định: số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hết hiệu lực thi hành.”
Tuy nhiên theo khoản 2 và khoản 3, điều 59 nghị định 123/2020/NĐ-CP mới ra, đã bãi bỏ 2 nội dung trên của nghị định 119/2018/NĐ-CP. Không còn bắt buộc các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải hoàn thành việc tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế từ ngày 01/11/2020. Đồng thời các Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP và Nghị định 119/2018/NĐ-CP tiếp tục có hiệu lực thi hành đến ngày 30/6/2022.
2. Nghị định 51/2010/NĐ-CP tiếp tục có hiệu lực
Ngày 14/05/2010, chính phủ đã ban hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về việc in, phát hành, sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (sau đây gọi chung là hóa đơn); xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc in, phát hành, sử dụng hóa đơn; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc in, phát hành, sử dụng hóa đơn.
Nghị định này cùng các thông tư hướng dẫn theo kèm dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 01/11/2020 theo quy định khoản 4 điều 35, nghị định 119/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, nghị định 123/2020/NĐ-CP đã bãi bỏ quy định trên, kéo theo việc nghị định 51/2010/NĐ-CP sẽ có hiệu lực đến hết 30/06/2022:
3. Nghị định 04/2014/NĐ-CP tiếp tục có hiệu lực
Ngày 17/01/2014, chính phủ đã ban hành Nghị định 04/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 51/2010/NĐ-CP về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Ngày 12/09/2018, chính phủ đã ban hành nghị định 119/2018/NĐ-CP và trong khoản 4 Điều 35 Nghị định này đã quy định: cùng với nghị định 51/2010, nghị định 01/2014 sẽ hết hiệu lực từ 01/11/2020.
Tuy nhiên nghị định 123/2020/NĐ-CP vừa được ban hành ngày 19/10/2020 đã bãi bỏ khoản 4 Điều 35 nghị định 119/2018/NĐ-CP; Đồng thời tại cũng nêu rõ
“Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ tiếp tục có hiệu lực thi hành đến ngày 30 tháng 6 năm 2022”.
Như vậy, sau ngày 01/11/2020, nghị định 04/2014 sẽ tiếp tục có hiệu lực.
>> Nghị định 51 và Nghị định 04 còn hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2020 hay không?
4. Nghị định số 12/2015/NĐ-CP: bãi bỏ một nội dung
Nghị định 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 do Chính phủ ban hành hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế.
Tuy nhiên nghị định 123/2020/NĐ-CP đã tiến hành bãi bỏ một nội dung của nghị định 12/2015. Cụ thể đã bỏ khoản 12 Điều 5 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP về việc sửa đổi bổ sung khoản 1, điều 48, Nghị định số 83/2013/NĐ-CP.
5. Nghị định số 151/2017/NĐ-CP
Nghị định 151/2017/NĐ-CP cũng là một trong các nghị định chịu ảnh hưởng của nghị định 123/2020/NĐ-CP; Và cụ thể là khoản 5, điều 59 có ghi rõ:
“Việc quản lý, sử dụng hóa đơn bán tài sản công khi xử lý tài sản công (hóa đơn bằng giấy do Bộ Tài chính đặt in) tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.”
Trên đây là các Nghị định chịu ảnh hưởng theo nghị định 123/2020/NĐ-CP vừa qua. Có thể thấy nghị định 123 đã đưa ra nhiều chính sách quan trọng ảnh hưởng sâu rộng đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính; đồng thời cũng sâu sát hơn với thực tiễn hiện tại của các doanh nghiệp Việt nam.
Phần mềm hóa đơn điện tử CyberBill
- VPGD: Tầng 4, tòa nhà T608B, Tôn Quang Phiệt, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội
- Hotline: 1900 2038
- Website: https://cyberbill.vn/
- Email: kinhdoanh@cyberlotus.com