Hóa đơn trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Trong bối cảnh các văn bản quy định về hóa đơn (Nghị định 51/2010, Nghị định 04/2014, Nghị định 119/2018, Thông tư 32/2011, Thông tư 39/2014, Thông tư 68/2019…) cũng đang được nghiên cứu, sửa đổi để ban hành các văn bản mới phù hợp với thực tế (dự thảo Nghị định về hóa đơn, chứng từ), ngày 21/4/2020, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) có văn bản lấy ý kiến tham gia của một số địa phương về dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn (dự thảo Nghị định). Xin góp một vài ý kiến về các quy định đối với hóa đơn trong dự thảo Nghị định này.

Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn là hai khái niệm lần đầu được nêu tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

Theo đó, nếu sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn hết giá trị sử dụng hoặc chưa có giá trị sử dụng … là hành vi “sử dụng hóa đơn bất hợp pháp”; nếu sử dụng hóa đơn lập khống, hóa đơn ghi không đúng giá trị thực tế, dùng hóa đơn quay vòng, mua hoặc dùng hóa đơn của tổ chức khác… là hành vi “sử dụng bất hợp pháp hóa đơn”.

Về bản chất, hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc, hóa đơn khống, hóa đơn chênh lệch nội dung giữa các liên, hóa đơn quay vòng, hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn hết giá trị sử dụng … đều là hóa đơn không hợp pháp. Mục đích của hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp là trốn thuế, làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được khấu trừ.

Vì vậy rất nên thống nhất lại hai khái niệm “sử dụng hóa đơn không hợp pháp” và “sử dụng không hợp pháp hóa đơn”. Quy định về “Hóa đơn không hợp pháp” và hình thức xử phạt đối với hành vi “Sử dụng hóa đơn không hợp pháp” sẽ làm cho việc thực hiện các quy định về hóa đơn rõ ràng hơn, cụ thể hơn.

vi phạm hành chính về thuế
Một vài ý kiến về các quy định đối với hóa đơn trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Trong nội dung Điều 5, Khoản 2 của dự thảo Nghị định chỉ nêu: “Đình chỉ hoạt động in hóa đơn có thời hạn”. Nếu chỉ là đình chỉ đối với các tổ chức được nhận in hóa đơn giấy thì không đầy đủ vì hiện nay còn có các tổ chức cung cấp phần mềm tự in hóa đơn, tổ chức cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử.

Do vậy, đề nghị sửa lại khoản 2: “Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ có thời hạn hoạt động in hóa đơn, cung cấp phần mềm tự in hóa đơn, cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử”. Tại Khoản 3, Điều 5 (Hình thức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả), cũng cần bổ sung: “ Buộc thực hiện thủ tục phát hành hóa đơn, đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử” cho phù hợp với quy định về hóa đơn điện tử.

>> Xem thêm: Bổ sung chỉ tiêu đăng ký để thuận tiện cho công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử

Trong Chương III (Hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả), từ Điều 18 đến Điều 21 và từ Điều 23 đến Điều 27 là các quy định chỉ riêng đối với hóa đơn đặt in. Hóa đơn điện tử chỉ được nhắc đến tại điểm c, Khoản 3, Điều 25 về vi phạm khi hủy hóa đơn.

Tại Điều 29 (Xử phạt hành vi vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ hóa đơn), ngoài 3 hành vi: Không đảm bảo nguyên tắc theo quy định; hóa đơn được in ra không đủ nội dung theo quy định (với phần mềm tự in hóa đơn) và không đảm bảo nguyên tắc sinh số tự động (với phần mềm hóa đơn điện tử) thì còn bỏ sót rất nhiều hành vi vi phạm khác:

Khởi tạo hóa đơn giả; cung ứng phần mềm khi không đủ điều kiện theo quy định; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ hợp đồng cung cấp phần mềm về hóa đơn; cung cấp phần mềm về hóa đơn mà người dùng có thể thay đổi thời điểm lập hóa đơn…

Đối với tổ chức cung cấp phần mềm tự in hóa đơn, tổ chức cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử cũng không có quy định về “Hình phạt bổ sung và Biện pháp khắc phục hậu quả”. Như vậy thật không tương xứng đối với các tổ chức nhận in hóa đơn giấy. Dự thảo Nghị định chưa có quy định về hành vi vi phạm và hình thức xử phạt đối với Tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử.

Quản lý hóa đơn là một bộ phận của công tác quản lý thuế. Việc xây dựng một Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thoạt nhìn thì thấy hợp lý nhưng càng đọc càng thấy rằng cần phải tách riêng hai lĩnh vực này.

Lý do là các quy định về thuế đã định hình, ít có sự thay đổi. Các hành vi vi phạm về thuế cũng đã được phát hiện và có các hình thức, mức độ xử phạt khá đầy đủ, hợp lý. Trong khi đó, tình hình đối với hóa đơn thì ngược lại: Thêm, bớt loại hóa đơn. Thêm, bớt hình thức hóa đơn.

Thay đổi cách thức sử dụng, báo cáo …Và, chủ yếu là do các quy định đó chưa ổn định nên trong quá trình thực hiện Nghị định sẽ có nhiều sửa đổi, bổ sung, thậm chí có thể có nhiều lần sửa đổi, bổ sung. Thật vất vả nếu phải trích dẫn rất nhiều văn bản khi có công việc liên quan.

Phần mềm hóa đơn điện tử CyberBill

  • VPGD: Tầng 4, tòa nhà T608B, Tôn Quang Phiệt, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội
  • Hotline: 1900 2038
  • Websitehttps://cyberbill.vn/
  • Email: kinhdoanh@cyberlotus.com
Nef Digital SEOON