Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về bán hóa đơn do cơ quan thuế đặt in

Bên cạnh sửa đổi phạm vi đối tượng sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế đặt in, Nghị định 123/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 19/10/2020 cũng quy định rõ ràng về việc bán loại hóa đơn này. Quy định về bán hóa đơn do cơ quan thuế đặt in tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP bao gồm các nội dung như thủ tục mua, số lượng hóa đơn bán theo tháng, quy trình thông báo phát hành hóa đơn và nguyên tắc giá bán hóa đơn do cơ quan thuế đặt in. Tìm hiểu ngay chi tiết quy định về bán hóa đơn do cơ quan thuế đặt in theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP thông qua bài viết dưới đây.

hóa đơn do cơ quan thuế đặt in
Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về bán hóa đơn do cơ quan thuế đặt in

1. Đối tượng sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế đặt in theo quy định tại Nghị định 123

Hóa đơn do cơ quan thuế đặt in là hóa đơn được thể hiện dưới dạng giấy do cơ quan thuế đặt in để bán cho tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng và trường hợp được mua hóa đơn loại hóa đơn này theo đúng quy định.

Theo Điều 23 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Cục Thuế) đặt in hóa đơn để bán cho các đối tượng:

  • Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này trong trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập HĐĐT để sử dụng HĐĐT và để truyền dữ liệu HĐĐT đến người mua và đến cơ quan thuế.
  • Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh mua hóa đơn của cơ quan thuế trong thời gian tối đa 12 tháng, đồng thời cơ quan thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử. Khi chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử thì các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế (nếu đủ điều kiện) theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.
  • Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trong thời gian hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin cấp mã hóa đơn của cơ quan thuế gặp sự cố theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định này.

Đối chiếu với quy định về đối tượng sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế đặt in tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP (Khoản 2 và Khoản 3 Điều 10), phạm vi đối tượng sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế đặt in tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP đã có sự thay đổi và bổ sung để phù hợp với tiến trình đồng bộ sử dụng hóa đơn điện tử. 

2. Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về bán hóa đơn do cơ quan thuế đặt in

2.1 Thủ tục mua hóa đơn do cơ quan Thuế đặt in

Căn cứ Điều 24 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng được cơ quan thuế bán hóa đơn phải làm đơn đề nghị mua hóa đơn (theo Mẫu số 02/ĐN-HĐG Phụ lục IA ban hành kèm Nghị định 123/2020/NĐ-CP) gửi cơ quan thuế khi mua hóa đơn và kèm với các giấy tờ sau:

  • Người mua hóa đơn (người có tên trong đơn hoặc người được doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, chủ hộ kinh doanh, người được ủy quyền bằng giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật) phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân còn trong thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật.
  • Doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh mua hóa đơn lần đầu phải có văn bản cam kết (theo Mẫu số 02/CK-HĐG Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này) về địa chỉ sản xuất, kinh doanh phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế, thông báo mã số thuế, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền

Lưu ý, khi đến mua hóa đơn, người mua hóa đơn do cơ quan thuế phát hành phải tự chịu trách nhiệm ghi hoặc đóng dấu: tên, địa chỉ, mã số thuế trên liên 2 của mỗi số hóa đơn trước khi mang ra khỏi cơ quan thuế.

2.2 Số lượng hóa đơn bán theo tháng

Cơ quan thuế bán hóa đơn cho doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh theo tháng. Số lượng hóa đơn bán lần đầu không quá một quyển 50 số cho mỗi loại hóa đơn. Trường hợp doanh nghiệp chưa hết tháng đã sử dụng hết hóa đơn mua lần đầu, cơ quan thuế căn cứ vào thời gian, số lượng hóa đơn đã sử dụng để quyết định số lượng hóa đơn bán lần tiếp theo.

Đối với các lần mua hóa đơn sau, sau khi kiểm tra tình hình sử dụng hóa đơn, tình hình kê khai nộp thuế và đề nghị mua hóa đơn trong đơn đề nghị mua hóa đơn, cơ quan thuế giải quyết bán hóa đơn cho doanh nghiệp trong ngày. Số lượng hóa đơn bán cho doanh nghiệp không quá số lượng hóa đơn đã sử dụng của tháng mua trước đó.

Doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng mua hóa đơn do cơ quan thuế phát hành chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử thì phải dừng sử dụng hóa đơn mua của cơ quan thuế kể từ ngày bắt đầu sử dụng hóa đơn điện tử theo đúng quy định.

Trường hợp hộ, cá nhân kinh doanh không có nhu cầu sử dụng hóa đơn quyển nhưng có nhu cầu sử dụng hóa đơn thì cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh.

>> Sự thay đổi trong quy định về hình thức hóa đơn tại Nghị định 123

2.3 Quy trình thông báo phát hành hóa đơn do cơ quan thuế đặt in 

Khoản 3 Điều 24 Nghị định 123/2020/NĐ-CP nêu rõ, hóa đơn do Cục Thuế đặt in để bán được thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Đồng thời, trước khi bán lần đầu Cục Thuế phải lập thông báo phát hành hóa đơn theo Mẫu số 02/PH-HĐG Phụ lục IB Nghị định  123/2020/NĐ-CP đính kèm hóa đơn Mẫu trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Nội dung Thông báo phát hành hóa đơn bao gồm: 

  • Tên Cục Thuế phát hành hóa đơn, mã số thuế, địa chỉ, điện thoại
  • Các loại hóa đơn phát hành (tên loại hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ngày bắt đầu sử dụng, số lượng hóa đơn thông báo phát hành (từ số… đến số…))
  • Tên và mã số thuế của doanh nghiệp in hóa đơn (đối với hóa đơn đặt in)
  • Ngày lập Thông báo phát hành, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật và dấu của đơn vị.

Hóa đơn mẫu là bản in thể hiện đúng, đủ các tiêu thức trên liên của hóa đơn giao cho người mua loại được phát hành, có số hóa đơn là một dãy các chữ số 0 và in hoặc đóng chữ “Mẫu” trên tờ hóa đơn.

Thông báo phát hành hóa đơn gồm cả hóa đơn mẫu phải được niêm yết rõ ràng ngay tại các cơ sở trực thuộc Cục Thuế trong suốt thời gian sử dụng hóa đơn.

2.4 Nguyên tắc giá bán hóa đơn do cơ quan thuế đặt in

Hóa đơn giấy do Cục Thuế đặt in được bán theo giá bảo đảm bù đắp chi phí thực tế, không vì mục tiêu lợi nhuận. Cục trưởng Cục Thuế quyết định và niêm yết giá bán hóa đơn theo nguyên tắc trên, cơ quan thuế các cấp không được thu thêm bất kỳ khoản thu nào ngoài giá bán đã niêm yết. Tất cả các đơn vị trực thuộc Cục Thuế bán, cấp cùng một loại hóa đơn do Cục Thuế phát hành. (theo Khoản 4 Điều 24 Nghị định 123/2020/NĐ-CP).

Trên đây là những quy định về bán hóa đơn do cơ quan thuế đặt in tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP mà doanh nghiệp cần biết, đặc biệt là các trường hợp sử dụng loại hóa đơn này. Những quy định về hóa đơn do cơ quan thuế đặt in theo Nghị định 123123/2020/NĐ-CP được áp dụng khi Nghị định này chính thức có hiệu lực thi hành, kể từ ngày 01/7/2022. 

Phần mềm hóa đơn điện tử CyberBill

  • VPGD: Tầng 4, tòa nhà T608B, Tôn Quang Phiệt, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội
  • Hotline: 1900 2038
  • Websitehttps://cyberbill.vn/
  • Email: kinhdoanh@cyberlotus.com
Nef Digital SEOON