Nghị định 51 và Nghị định 04 còn hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2020 hay không?

Nghị định 123/2020/NĐ-CP được chính phủ ban hành mới đây đã sửa đổi hiệu lực thi hành của Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP vốn được quy định trước đó tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP. Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định hai văn bản quy phạm pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ nói trên hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2020. Vậy với sự thay đổi tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì Nghị định 51 và Nghị định 04 còn hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2020 hay không?

Nghị định 51 và Nghị định 04
Hiệu lực của Nghị định 51 và Nghị định 04

Hiệu lực thi hành của Nghị định 51 và Nghị định 04 theo quy định của Nghị định 119

Nghị định 119/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 12 tháng 09 năm 2018 quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Sự ra đời của Nghị định này đánh dấu một bước tiến mới trong lộ trình chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy với quy định rõ ràng về thời hạn bắt buộc tất cả doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử.

Cụ thể, Khoản 2 Điều 35 Nghị định 119/2018/NĐ-CP nêu rõ: Việc tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định của Nghị định này thực hiện xong đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh chậm nhất là ngày 01 tháng 11 năm 2020. 

Đặc biệt, thông tin về thời hạn bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử cũng được đề cập tại Thông tư 68/2019/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 119 như một cách nhấn mạnh. Từ ngày 01 tháng 11 năm 2020, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử theo hướng dẫn tại Thông tư này (căn cứ Điều 26 Thông tư 68/2019/TT-BTC).

Bên cạnh nội dung về thời hạn bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử, Nghị định 119/2018/NĐ-CP cũng quy định hiệu lực thi hành của hai văn bản quy phạm pháp luật là Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP. Trong đó, Nghị định 51/2010/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 14 tháng 05 năm 2010 quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và Nghị định 04/2014/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 17 tháng 01 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 51/2010/NĐ-CP.

Hai văn bản quy phạm pháp luật nói trên là cơ sở pháp lý quan trọng đối với việc sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 35 Nghị định 119/2018/NĐ-CP, kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2020, Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014 hết hiệu lực thi hành.

>> Cách chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế

Nghị định 123 quy định Nghị định 51 và Nghị định 04 còn hiệu lực thi hành cho đến ngày 30/6/2022

Ngày 19/10/2020, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP với những điểm mới trong quy định về hóa đơn, chứng tử và đặc biệt là hóa đơn điện tử. Những sửa đổi và bổ sung trong quy định về hóa đơn, chứng từ tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP ảnh hưởng không nhỏ tới Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014 và Nghị định 119/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành trước đó. 

Để giải quyết điều này, Nghị định 123/2020/NĐ-CP đã quy định rõ ràng về hiệu lực thi hành của các văn bản quy phạm pháp luật có tác động tới việc sử dụng hóa đơn, cụ thể trong quá trình chuyển tiếp sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy theo thời hạn mới quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định tại điều 59 như sau:

  • Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2022, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Nghị định này trước ngày 01 tháng 7 năm 2022.
  • Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Nghị định 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Nghị định 119/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ tiếp tục có hiệu lực thi hành đến ngày 30 tháng 6 năm 2022.

Đồng thời, khoản 4 Điều 35 Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hiệu lực thi hành của Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP cũng được bãi bỏ tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

Như vậy, với quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì thắc mắc “Nghị định 51 và Nghị định 04 còn hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2020 hay không?” đã được giải đáp. Cùng với Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử, Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP về hóa đơn sẽ còn hiệu lực thi hành cho đến ngày 30/6/2022. Kể từ ngày 01/7/2022, việc sử dụng hóa đơn, chứng từ, đặc biệt là hóa đơn điện tử được áp dụng theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

Phần mềm hóa đơn điện tử CyberBill

  • VPGD: Tầng 4, tòa nhà T608B, Tôn Quang Phiệt, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội
  • Hotline: 1900 2038
  • Websitehttps://cyberbill.vn/
  • Email: kinhdoanh@cyberlotus.com
Nef Digital SEOON