Những vướng mắc trong các quy định về xử phạt hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn

Những quy định về sử dụng hóa đơn trong hoạt dộng bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là một lĩnh vực tương đối đặc thù của quản lý thuế. Hóa đơn có mặt trong hoạt động của mọi doanh nghiệp, mọi ngành nghề. Trong quá trình sử dụng hóa đơn, thật khó tránh khỏi có lần (vô tình hoặc hữu ý) vi phạm quy định.

Vi phạm thì sẽ bị xử phạt là tất nhiên: Cảnh cáo, phạt tiền, buộc khắc phục hậu quả …Chính phủ cũng đã nhiều lần ban hành và sửa đổi các Nghị định quy định riêng biệt về xử phạt các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng hóa đơn trong mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Trong quá trình thực thi, nhiều quy định mới của cơ quan quản lý được ban hành, nhiều hành vi vi phạm mới xuất hiện … nên việc sửa đổi văn bản là tất nhiên.

Trong dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn (đang lấy ý kiến tham gia), theo Điều 2 (Giải thích từ ngữ), “Lập hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh” là một trong các “trường hợp được coi là sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ” với mức phạt tiền dự kiến “từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng” (Điều 23). Trong khi đó, cũng đề cập đến hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, tại Điều 27, hành vi “Sử dụng không hợp pháp hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ” lại được quy định “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”. Xin được bàn về hai khái niệm vốn đã được “định” trong các văn bản: Lập hóa đơn và sử dụng hóa đơn.

>> Một vài điều cần phải làm sáng tỏ để việc sử dụng HĐĐT được thuận lợi

>> Xử lý hóa đơn đối với phiếu quà tặng như thế nào?

Ngay từ Nghị định số 89/2002/NĐ-CP, lập hóa đơn và sử dụng hóa đơn đã được tách làm 2 hành vi khác nhau. Khái niệm về “Lập hóa đơn là việc dùng phương tiện cần thiết để ghi đầy đủ thông tin theo các chỉ tiêu trên hóa đơn” vẫn được giữ tới bây giờ. Nhưng lập hóa đơn chỉ là hành vi đầu tiên của chuỗi các hành vi cần thiết để bán hàng (lập hóa đơn, giao hàng hóa, nhận tiền và giao hóa đơn cho người mua…).

Có ý kiến cho rằng: Hóa đơn đã lập, chưa giao hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng, hóa đơn vẫn lưu ở quyển (hoặc chưa truyền dữ liệu) thì không có căn cứ để cho rằng đó là hóa đơn khống (không có một phần hoặc toàn bộ hàng hóa, dịch vụ). Thông thường, người mua chỉ trả tiền khi nhận được hàng hóa, dịch vụ và khi nhận được tiền thì người bán mới giao hóa đơn.

Quy định về thời điểm lập hóa đơn không hề ảnh hưởng tới việc giao hóa đơn cho người mua. Giả dụ giữa hai bên bán và mua có giao dịch hàng hóa, dịch vụ, người bán đã ghi đầy đủ các thông tin cần thiết về người mua và hàng hóa trên hóa đơn nhưng vì một lý do nào đó mà việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không thành công. Hóa đơn đã được lập nhưng hàng hóa không được giao cho người mua.

Nếu coi trường hợp này là “lập hóa đơn khống” thì quả tình là không hợp lý cũng không hợp tình. Chỉ khi hóa đơn đã được giao, người mua đã kê khai khấu trừ thuế mà không có hàng hóa, dịch vụ được giao nhận giữa hai bên thì đây mới đích thị là “khống”.

Nhưng như vậy thì đây lại là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn và cả người bán và người mua đều bị xử phạt (điểm b và điểm c, Khoản 2, Điều 27 của dự thảo). Vậy thì có thể phải xác định lại khái niệm về “lập hóa đơn khống”, đồng thời xem lại sự không đồng nhất giữa hai quy định về xử phạt hành vi vi phạm về sử dụng không hợp pháp hóa đơn tại Điều 23 và Điều 27 (dự thảo).

xử phạt hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn

Trong lĩnh vực quản lý thuế và cụ thể là hóa đơn, từ trước đến nay đều chỉ do Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn (Thông tư) hoặc dự thảo văn bản (Nghị định) trình Chính phủ ban hành. Gần đây, tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP (ban hành ngày 03/02/2020) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (có hiệu lực vào ngày 15/4/2020) cũng có quy định xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn.

Đáng chú ý là hành vi vi phạm về hóa đơn và mức xử phạt ở Nghị định 15/2020 không giống, không đồng nhất với quy định tại các văn bản hiện hành và dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn (đang lấy ý kiến tham gia).

Cụ thể: Tại Điều 26: “Vi phạm các quy định về dịch vụ viễn thông công ích”, Điểm b, Khoản 2 quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi “Lập hóa đơn trong đó có dịch vụ viễn thông công ích nhưng không có đầy đủ các nội dung theo quy định”.  

Tại Điều 34: “Vi phạm các quy định về lập hóa đơn, doanh thu giá cước và thanh toán cước viễn thông” quy định: Hành vi “Lập hóa đơn thanh toán giá cước dịch vụ viễn thông không thể hiện đầy đủ hoặc không chính xác về giá cước và số tiền phải thanh toán đối với từng loại dịch vụ viễn thông hoặc thuế giá trị gia tăng và tổng số tiền phải thanh toán cho người sử dụng dịch vụ viễn thông thanh toán theo hình thức trả sau;” và hành vi  “Không lập hóa đơn thanh toán giá cước cho người sử dụng dịch vụ viễn thông theo hình thức trả sau” bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Trong khi đó, hành vi “không lập hóa đơn giao cho người mua hàng”, tại Khoản 3 Điều 38, Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng; nếu giá trị hàng hóa dịch vụ trên 200.000 đồng thì xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Lập hóa đơn thanh toán giá cước dịch vụ viễn thông không thể hiện đầy đủ hoặc không chính xác về giá cước và số tiền phải thanh toán đối với từng loại dịch vụ viễn thông hoặc thuế giá trị gia tăng và tổng số tiền phải thanh toán cho người sử dụng dịch vụ viễn thông thanh toán theo hình thức trả sau” chính là hành vi trốn thuế được quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 13, Thông tư 166/2013/TT-BTC: “Lập hóa đơn sai về số lượng, giá trị hàng hoá, dịch vụ bán ra làm căn cứ kê khai nộp thuế thấp hơn thực tế” với mức xử phạt vi phạm được quy định từ một (01) đến ba (03) lần số thuế trốn. Hành vi này cũng được xác định tại Điều 15, dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Những sai lệch trong các quy định về xử phạt hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn trong các văn bản nêu trên (hiện hành, sắp có hiệu lực thi hành và dự thảo) cần được xem xét, chỉnh sửa lại cho phù hợp, thống nhất để giúp cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và hộ kinh doanh không gặp vướng mắc khi sử dụng hóa đơn, chấp hành pháp luật./.

Phần mềm hóa đơn điện tử CyberBill

  • VPGD: Tầng 4, tòa nhà T608B, Tôn Quang Phiệt, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội
  • Hotline: 1900 2038
  • Websitehttps://cyberbill.vn/
  • Email: kinhdoanh@cyberlotus.com
Nef Digital SEOON