Thuế VAT là gì? Tổng hợp những câu hỏi mới nhất về thuế GTGT

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) – VAT là một loại thuế gián thu, được tính trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Thuế GTGT được cộng vào giá bán hàng hoá, dịch vụ và do người tiêu dùng gánh chịu khi mua hàng hoá, sử dụng dịch vụ.

thuế VAT
Tổng hợp những câu hỏi mới nhất về thuế GTGT – VAT

Khác cơ bản với thuế doanh thu, với thuế GTGT thì chỉ có người bán hàng (hoặc cung ứng dịch vụ) lần đầu phải nộp thuế GTGT trên toàn bộ doanh thu bán hàng (hoặc cung ứng dịch vụ), còn người bán hàng (hoặc cung ứng dịch vụ) ở các khâu tiếp theo đối với hàng hoá (hoặc dịch vụ) đó, chỉ phải nộp thuế VAT trên phần giá trị tăng thêm.

Cùng giải đáp những câu hỏi đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm nhất về thuế GTGT trong bài viết dưới đây.

Câu 1: Thuế VAT là gì?

Thuế VAT (Value Added Tax) là loại thuế được tính vào giá trị hàng hóa người tiêu dùng cuối cùng để doanh nghiệp nộp nó cho cơ quan thuế nhà nước. Thuế này thường được cộng trực tiếp vào giá bán để doanh nghiệp hạch toán triết khấu cụ thể phần đó nộp cho tổ chức hoặc cơ quan thuế nhà nước.

thuế VAT
Thuế VAT là gì

Thuế giá trị gia tăng VAT của người tiêu dùng cuối cùng sẽ không thể được hoàn lại khi mua hàng nhưng các doanh nghiệp thì có thể được hoàn lại VAT đối với nguyên liệu hay sản phẩm đầu vào để tạo ra các sản phẩm tiếp theo bán cho người dùng cuối cùng.

Câu 2: Đối tượng chịu thuế Giá trị gia tăng (GTGT) là gì?

Đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT.

Câu 3: Đối tượng không chịu thuế Giá trị gia tăng (GTGT) là những hàng hóa, dịch vụ nào?

  • Đối tượng không chịu thuế GTGT bao gồm 5 nhóm sau:
    • Nhóm 1: Các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ sơ chế thông thường do các tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu. Các loại giống vật nuôi, giống cây trồng, phân bón, thức ăn gia súc và các máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và thu hoạch sản phẩm nông nghiệp …
    • Nhóm 2: Các sản phẩm, dịch vụ không mang tính kinh doanh hoặc các dịch vụ công cộng bảo đảm cung cấp tối thiểu cho tiêu dùng: Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểmhọc sinh; bảo hiểm vật nuôi cây trồng, bảo hiểm nông nghiệp khác; bảo hiểm tàu thuyền trang thiết bị phục vụ đánh bắt thủy sản; tái bảo hiểm; phát sóng phát thanh, truyền hình bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; xuất bản, nhập khẩu, phát hành báo chí; vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện; dạy học, dạy nghề; một số dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán …
    • Nhóm 3: Vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh; hàng hóa nhập khẩu trong các trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại, quà tặng cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội… quà tặng cho cá nhân theo mức quy định của Chính phủ, hàng hóa mang theo người trong tiêu chuẩn miễn thuế …
    • Nhóm 4: Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập; hàng hóa, dịch vụ mua bán giã nước ngoài với khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau; nguyên vật liệu nhập khẩu để gia công hàng xuất khẩu theo hợp đồng gia công xuất khẩu với nước ngoài; hàng hóa xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản chưa qua chế biến thành thành phẩm …
    • Nhóm 5: Hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.

>> Hướng dẫn chi tiết cách đăng ký và tra cứu mã số thuế cá nhân mới nhất

>> Cách tính thuế TNCN từ tiền lương, tiền công mới nhất

Câu 4: Tổ chức, cá nhân không phải khai, nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong những trường hợp nào?

Trong những trường hợp sau, tổ chức, cá nhân không phải khai, nộp thuế GTGT:

  • Tổ chức, cá nhân nhận các khoản bồi thường bằng tiền, tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.
  • Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ (sửa chữa máy móc thiết bị, quảng cáo, tiếp thị môi giới bán hàng, đào tạo; chia cước dịch vụ bưu chính viễn thông quốc tế…) của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, của cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam.
  • Tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế GTGT bán tài sản.
  • Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư (để sản xuất, kinh doanh hàng hóa chịu thuế GTGT) cho doanh nghiệp, hợp tác xã.
  • Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán nông sản, thủy sản, hải sản sơ chế hoặc chưa qua chế biến cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại.(chú ý: các trường hợp bán cho đối tượng khác vẫn phải khai, nộp thuế GTGT).
  • TSCĐ đang sử dụng, đã trích khấu hao, khi điều chuyển theo giá trị ghi trên sổ sách kế toán giữa cở sở kinh doanh (sở hữu 100% vốn) với các đơn vị thành viên hoặc giữa các đơn vị thành viên của một cơ sở kinh doanh (sở hữu 100% vốn).
  • Các trường hợp khác:
    • Góp vốn bằng tài sản để thành lập doanh nghiệp.
    • Điều chuyển tài sản giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong doanh nghiệp; khi chia, tách, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
    • Thu đòi người thứ 3 của hoạt động bảo hiểm.
    • Các khoản thu hộ không liên quan đến bán hàng hóa, dịch vụ
    • Thù lao được nhận khi thu hộ, chi hộ các cơ quan nhà nước.
    • Doanh thu hàng hóa, dịch vụ nhận bán đại lý và doanh thu hoa hồng từ hoạt động đại lý bán đúng giá quy định của bên giao đại lý của các dịch vụ: bưu chính, viễn thông, bán vé xổ số, vé máy bay …
    • Doanh thu hàng hóa, dịch vụ và doanh thu hoa hồng đại lý từ hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT.
    • Nhập lại hàng hóa đã xuất khẩu do bị phía nước ngoài trả lại.

Câu 5: Chuyển nhượng quyền phát thải là gì?

Các hoạt động của con người đã làm trái đất ngày càng nóng lên, dẫn đến các thảm họa thiên nhiên do tăng các khí (CO2, N2O, HFCs, CH4 …) gây hiệu ứng nhà kính. Năm 1997, Nghị định thư Kyoto về việc giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính đã được ký kết giữa các nước công nghiệp đang phát triển.

Nghị định thư Kyoto thiết lập 3 cơ chế mềm dẻo: 1) Cơ chế mua bán phát thải-mua bán các chứng chỉ phát thải giữa các nước phát triển; 2) Cơ chế đồng thực hiện – mua bán các chứng chỉ giảm phát thải thông qua các dự án giảm phát thải thiết lập tại các nước phát triển; 3) Cơ chế phát triển sạch CDM – mua bán các chứng chỉ giảm phát thải thông qua các dự án phát triển sạch CDM tại các nước đang phát triển.

Đơn vị đo lường chuẩn đối với lượng khí nhà kính thu được từ mỗi dự án CDM là CERs (01 CERs = 01 tấn CO2).

Hoạt động chuyển nhượng quyền phát thải và chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) là một hoạt động mới, được nhà nước khuyến khích áp dụng và được hưởng các ưu đãi về thuế. Hoạt động này vừa không phải khai, nộp thuế GTGT vừa được miễn thuế TNDN trong thời hạn 01 năm. Các nhà đầu tư xây dựng, thực hiện các dự án CDM có quyền chuyển nhượng CERs thuộc sở hữu của mình .

Câu 6: Những cơ sở kinh doanh nào được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế?

Phương pháp khấu trừ thuế chỉ áp dụng đối với các cơ sở kinh doanh thực hiện  đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ:

  • Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hàng năm từ 01 tỷ đồng trở lên;
  • Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế;
  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam kê khai khấu trừ nộp thay.

Câu 7: Cơ sở kinh doanh nào được đăng ký tự nguyện áp dụng nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp khấu trừ?

Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, bao gồm:

  • Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT dưới một tỷ đồng đã thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, sổ sách, hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hoá đơn, chứng từ.
  • Doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đang hoạt động nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.
  • Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có thực hiện đầu tư, mua sắm, nhận góp vốn bằng  tài sản cố định, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ hoặc có hợp đồng thuế địa điểm kinh doanh
  • Tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ;
  • Tổ chức kinh tế khác hạch toán được thuế GTGT đầu vào, đầu ra (không bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã).

Câu 8: Các cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp khấu trừ cần phải làm thủ tục gì?

Tùy theo từng trường hợp mà cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế sẽ thực hiện  thủ tục Thông báo về việc áp dụng phương pháp tính thuế GTGT với cơ quan thuế khác nhau, cụ thể là:

  • Doanh nghiệp, hợp tác xã hướng dẫn tại điểm a khoản này phải gửi Thông báo về việc áp dụng phương pháp tính thuế GTGT cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là ngày 20 tháng 12 của  năm trước liền kề năm thực hiện phương pháp tính thuế mới.
  • Cơ sở kinh doanh hướng dẫn tại điểm b, c khoản này phải gửi Thông báo về việc áp dụng phương pháp tính thuế GTGT tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp (không phải gửi kèm  hồ sơ , tài liệu: dự án đầu tư được phê duyệt, hóa đơn mua sắm, hồ sơ góp vốn, hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh…).
  • Cơ sở kinh doanh hướng dẫn tại điểm d khoản này phải gửi Thông báo về việc áp dụng phương pháp tính thuế GTGT tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
  • Cơ sở kinh doanh hướng dẫn tại điểm d khoản này phải gửi Thông báo về việc áp dụng phương pháp tính thuế tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày 20 tháng 12 của năm trước liền kề năm người nộp thuế thực hiện phương pháp tính thuế mới.

Câu 9: Trường hợp  cơ sở kinh doanh đăng ký  nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp khấu trừ nhưng có cả hoạt động kinh doanh vàng bạc thì nộp thuế như thế nào?

Trường hợp cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ nhưng có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý thì cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng hoạt động này để nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng.

Câu 10: Ví dụ cụ thể về quy định “Tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) bán tài sản”?

Đáp: Ông A là cá nhân không kinh doanh. Ông A bán một chiếc xe ô tô 5 chỗ ngồi cho một cá nhân khác thì Ông A không phải khai, nộp thuế GTGT đối với số tiền thu được do bán ô tô.

Câu 11: Căn cứ tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) là gì?

Căn cứ tính  thuế GTGT là giá tính thuế và thuế suất.

Giá tính thuế là căn cứ quan trọng để tính ra số thuế GTGT phải nộp. Do đó, doanh nghiệp phải đặc biệt chú ý cách xác định giá tính thuế theo quy định.

Xác định giá tính thuế

Đối với hàng hóa, dịch vụ do DN bán ra

  • Đối với hàng hóa, dịch vụ do cơ sở sản xuất, kinh doanh bán ra là giá bán chưa có thuế GTGT.
  • Đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là giá bán đã có thuế TTĐB nhưng chưa có thuế GTGT.
  • Đối với hàng hóa chịu thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) là giá bán đã có thuế BVMT nhưng chưa có thuế GTGT. Đối với hàng hóa vừa chịu thuế TTĐB, vừa chịu thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) là giá bán đã có thuế TTĐB và thuế BVMT nhưng chưa có thuế GTGT.

Đối với hàng hóa nhập khẩu là giá nhập tại cửa khẩu cộng (+) với thuế nhập khẩu (nếu có), cộng (+) với thuế TTĐB (nếu có) cộng (+) thuế BVMT (nếu có). Giá nhập tại cửa khẩu được xác định theo quy định về giá tính thuế hàng nhập khẩu.

Đối vớisản phẩm, hàng hoá, dịch vụ (kể cả mua ngoài hoặc tự sản xuất) dùng để trao đổi, tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng cho, trả thay lương, là giá tính thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này.

Ví dụ 1: Đơn vị A sản xuất quạt điện, dùng 50 sản phẩm quạt để trao đổi hàng hóa với cơ sở khác, giá bán (chưa có thuế GTGT) của loại quạt này là 1 triệu đồng/chiếc. Giá tính thuế GTGT là:

1 triệu đồng/chiếc  x   50 chiếc  =  50 triệu đồng.

Đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng nội bộ

  • Hàng hoá luân chuyển nội bộ như xuất hàng hoá để chuyển kho nội bộ, xuất vật tư, bán thành phẩm để tiếp tục quá trình sản xuất trong một DN hoặc hàng hoá, dịch vụ do DN xuất hoặc cung ứng sử dụng phục vụ hoạt động kinh doanh thì không phải tính, nộp thuế GTGT.

Ví dụ 1: Đơn vị A sản xuất quạt điện, dùng 50 sản phẩm quạt lắp vào các phân xưởng sản xuất để phục vụ hoạt động kinh doanh của đơn vị thì đơn vị A không phải tính nộp thuế GTGT đối với hoạt động xuất số quạt này.

Ví dụ 2: Cơ sở sản xuất hàng may mặc B có phân xưởng sợi và phân xưởng may. Cơ sở B xuất sợi thành phẩm từ phân xưởng sợi cho phân xưởng may để tiếp tục quá trình sản xuất thì cơ sở B không phải tính và nộp thuế GTGT đối với sợi xuất cho phân xưởng may.

Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại, giá tính thuế được xác định bằng không (0); trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại nhưng không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế như hàng hóa, dịch vụ dùng để tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho.

Ví dụ 1: cung ứng hàng mẫu, dịch vụ mẫu cho khách hàng dùng thử, không thu tiền thì giá tính thuế đối với hàng mẫu, dịch vụ mẫu được xác định bằng Không (0).

Ví dụ 2: Công ty A đăng ký khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại về việc bán sản phẩm giảm giá so với tháng trước 10% trong thời gian từ ngày 01 đến ngày 15. Giá của sản phẩm (đã bao gồm thuế GTGT) là 50.000 đ. Như vậy giá bán sản phẩm trong thời gian khuyến mại là 45.000 đ và giá tính thuế GTGT sẽ là:      45.000 / (1+10%)

Đối với hoạt động cho thuê tài sản như cho thuê nhà, văn phòng, xưởng, kho tàng, bến, bãi, phương tiện vận chuyển, máy móc, thiết bị là số tiền cho thuê chưa có thuế GTGT.

Trường hợp cho thuê theo hình thức trả tiền thuê từng kỳ hoặc trả trước tiền thuê cho một thời hạn thuê thì giá tính thuế là tiền cho thuê trả từng kỳ hoặc trả trước cho thời hạn thuê chưa có thuế GTGT.

Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp, trả chậm là giá tính theo giá bán trả một lần chưa có thuế GTGT của hàng hóa đó, không bao gồm khoản lãi trả góp, lãi trả chậm.

Ví dụ : Công ty kinh doanh xe máy bán xe Honda loại 100 cc, giá bán trả góp chưa có thuế GTGT là 25,5 triệu đồng/chiếc (trong đó giá bán xe là 25 triệu đồng, lãi trả góp là 0,5 triệu đồng) thì giá tính thuế GTGT là 25 triệu đồng.

Đối với gia công hàng hóa là giá gia công theo hợp đồng gia công chưa có thuế GTGT, bao gồm cả tiền công, chi phí về nhiên liệu, động lực, vật liệu phụ và chi phí khác phục vụ cho việc gia công hàng hóa.

Đối với xây dựng, lắp đặt là giá trị công trình, hạng mục công trình hay phần công việc thực hiện bàn giao chưa có thuế GTGT.

  • Nếu có bao thầu nguyên vật liệu là giá xây dựng, lắp đặt bao gồm cả giá trị nguyên vật liệu chưa có thuế GTGT.

Ví dụ 1: Công ty xây dựng A nhận thầu công trình có bao thầu vật tư xây dựng, tổng giá trị thanh toán chưa có thuế GTGT là 1.500 triệu đồng, trong đó giá trị vật tư xây dựng chưa có thuế GTGT là 1.000 triệu đồng thì giá tính thuế GTGT là 1.500 triệu đồng.

  • Nếu không bao thầu vật tư xây dựng, là giá xây dựng, lắp đặt không bao gồm giá trị vật tư xây dựng chưa có thuế GTGT.

Ví dụ 2: Công ty xây dựng B nhận thầu xây dựng công trình không bao thầu giá trị vật tư xây dựng, tổng giá trị công trình chưa có thuế GTGT là 1.500 triệu đồng, giá trị nguyên liệu, vật tư xây dựng do chủ đầu tư A cung cấp chưa có thuế GTGT là 1.000 triệu đồng thì giá tính thuế GTGT trong trường hợp này là 500 triệu đồng (1500 triệu đồng – 1000 triệu đồng).

Đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, giá tính thuế là giá chuyển nhượng bất động sản trừ (-) giá đất được trừ để tính thuế GTGT.

Đối với hoạt động đại lý, môi giới mua bán hàng hoá và dịch vụ, ủy thác xuất nhập khẩu hưởng tiền công hoặc tiền hoa hồng, giá tính thuế là tiền công, tiền hoa hồng thu được từ các hoạt động này chưa có thuế GTGT.

Đối với hàng hóa, dịch vụ được sử dụng chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT như tem, vé cước vận tải, vé xổ số kiến thiết thì giá chưa có thuế GTGT được xác định như sau:

Giá chưa có thuế GTGT   =  Giá thanh toán (tiền bán vé, bán tem…) / (1 + thuế suất của hàng hóa, dịch vụ (%) )

Đối với điện của các nhà máy thuỷ điện hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá tính thuế GTGT để xác định số thuế GTGT nộp tại địa phương nơi có nhà máy được tính bằng 60% giá bán điện thương phẩm bình quân năm trước, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Đối với dịch vụ casino, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh giải trí có đặt cược, giá tính thuế GTGT là số tiền thu từ hoạt động này đã bao gồm cả thuế tiêu thụ đặc biệt trừ đi (- ) số tiền đã trả thưởng cho khách, được tính theo công thức sau:

Giá tính thuế GTGT = Số tiền thu được / (1 + thuế suất (%) )

Đối với vận tải, bốc xếp là giá cước vận tải, bốc xếp chưa có thuế GTGT, không phân biệt cơ sở trực tiếp vận tải, bốc xếp hay thuê lại.

Đối với dịch vụ du lịch theo hình thức lữ hành, hợp đồng ký với khách hàng theo giá trọn gói (ăn, ở, đi lại) thì giá trọn gói được xác định là giá đã có thuế GTGT.

Giá tính thuế GTGT   =  Giá trọn gói / (1 + thuế suất (%) )

Đối với dịch vụ cầm đồ, số tiền phải thu từ dịch vụ này bao gồm tiền lãi phải thu từ cho vay cầm đồ và khoản thu khác phát sinh từ việc bán hàng cầm đồ (nếu có), được xác định là giá đã có thuế GTGT.

Giá tính thuế GTGT = (Số tiền phải thu / 1 + thuế suất (%) )

Đối với sách chịu thuế GTGT bán theo đúng giá phát hành (giá bìa) theo quy định của Luật Xuất bản thì giá bán đó được xác định là giá đã có thuế GTGT để tính thuế GTGT và doanh thu của cơ sở. Các trường hợp bán không theo giá bìa thì thuế GTGT tính trên giá bán ra.

Đối với hoạt động in, giá tính thuế là tiền công in. Trường hợp giá thanh toán bao gồm cả tiền công in và tiền giấy in thì giá tính thuế bao gồm cả tiền giấy.

Đối với dịch vụ đại lý giám định, đại lý xét bồi thường, đại lý đòi người thứ ba bồi hoàn, đại lý xử lý hàng bồi thường 100% hưởng tiền công hoặc tiền hoa hồng thì giá tính thuế GTGT là tiền công hoặc tiền hoa hồng được hưởng (chưa trừ một khoản phí tổn nào) mà doanh nghiệp bảo hiểm thu được, chưa có thuế GTGT.

Đối với trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ (kể cả dịch vụ gắn với hàng hóa) của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, của cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam, giá tính thuế là giá thanh toán ghi trong hợp đồng mua dịch vụ, chưa có thuế GTGT.

Giá tính thuế trong tất cả các trường hợp nêu trên đều bao gồm cả khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh được hưởng. Trường hợp DN áp dụng hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng (nếu có) thì giá tính thuế GTGT là giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng.

Chú ý:

Giá tính thuế được xác định bằng đồng Việt Nam. Trường hợp người nộp thuế có doanh thu bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu để xác định giá tính thuế.

CyberBill

📚Tài liệu tham khảo:

Wikipedia

Thư Viện Pháp Luật

Phần mềm hóa đơn điện tử CyberBill

  • VPGD: Tầng 4, tòa nhà T608B, Tôn Quang Phiệt, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội
  • Hotline: 1900 2038
  • Websitehttps://cyberbill.vn/
  • Email: kinhdoanh@cyberlotus.com
Nef Digital SEOON