Sự thay đổi trong quy định về hình thức hóa đơn tại Nghị định 123

Nghị định 123/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 19/10/2020 vừa qua với những điểm mới trong quy định về hóa đơn và chứng từ. Đáng chú ý là nội dung quy định về hình thức hóa đơn, hình thức hóa đơn theo quy định tại Nghị định 123 không còn bao gồm hóa đơn do doanh nghiệp tự in hoặc đặt in. Cụ thể, Nghị định 123/2020/NĐ-CP đã sửa đổi và bổ sung gì về hình thức hóa đơn so với những quy định cũ? Giải đáp thông qua bài viết dưới đây.

hình thức hóa đơn
Sự thay đổi trong quy định về hình thức hóa đơn tại Nghị định 123

Các hình thức hóa đơn theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP

Hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Mặt khác, chứng từ là tài liệu dùng để ghi nhận thông tin về các khoản thuế khấu trừ, các khoản thu thuế, phí và lệ phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật quản lý thuế.

Căn cứ vào Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, hóa đơn được thể hiện theo hình thức hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn do cơ quan thuế đặt in. Trong đó:

Hóa đơn điện tử là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế (bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế). 

Hóa đơn do cơ quan thuế đặt in là hóa đơn được thể hiện dưới dạng giấy do cơ quan thuế đặt in để bán cho tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng và trường hợp được mua hóa đơn của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 23 Nghị định 123/2020/NĐ-CP để sử dụng khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Quy định cũ về hình thức hóa đơn

Trước Nghị định 123/2020/NĐ-CP, quy định về hình thức hóa đơn được đề cập cụ thể tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Khoản 2 Điều 4 Nghị định 51/2010/NĐ-CP nêu rõ, hóa đơn được thể hiện theo 3 hình thức: hóa đơn tự in, hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn đặt in. Cụ thể:

  • Hóa đơn tự in là hóa đơn do các tổ chức, cá nhân kinh doanh tự in ra trên các thiết bị tin học, máy tính tiền hoặc các loại máy khác khi bán hàng hóa, dịch vụ.
  • Hóa đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hóa, dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành.
  • Hóa đơn đặt in là hóa đơn các tổ chức, cá nhân kinh doanh đặt in theo mẫu để sử dụng cho hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ do cơ quan thuế đặt in theo mẫu để cấp, bán cho tổ chức, cá nhân.

So sánh những nội dung quy định về hình thức hóa đơn tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 123/2020/NĐ-CP, có thể thấy Nghị định 123/2020/NĐ-CP không chỉ bổ sung chi tiết hơn về khái niệm của từng hình thức hóa đơn mà còn thay đổi số lượng hình thức hóa đơn. 

Hình thức hóa đơn theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP không còn bao gồm hóa đơn tự in và hóa đơn do doanh nghiệp đặt in. Thay vào đó chỉ còn hóa đơn điện tử và hóa đơn do cơ quan thuế đặt in.

Đồng thời, sự xuất hiện của khái niệm hóa đơn điện tử có mã và không có mã của cơ quan thuế không phải điểm mới trong quy định về hình thức hóa đơn điện tử tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP so với Nghị định 51/2010/NĐ-CP. Lý do là bởi đã có Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử ban hành ngày 12 tháng 9 năm 2018 quy định cụ thể về hai hình thức này. 

>> Cách tiêu hủy hóa đơn đặt in mua của cơ quan thuế theo nghị định 123

Thời điểm triển khai hình thức hóa đơn theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP 

Nghị định 123/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2022 – đây đồng thời là thời hạn bắt buộc tất cả doanh nghiệp sử dụng HĐĐT thay cho hóa đơn giấy.

Căn cứ Điều 60 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, HĐĐT không có mã của cơ quan thuế hoặc đã đăng ký áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế, đã mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày Nghị định này được ban hành thì tiếp tục sử dụng hóa đơn đang sử dụng kể từ ngày Nghị định này được ban hành đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022 và thực hiện các thủ tục về hóa đơn theo quy định tại các Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP.

Trường hợp từ ngày Nghị định này được ban hành đến ngày 30 tháng 6 năm 2022, trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh chuyển đổi để áp dụng HĐĐT theo quy định tại Nghị định này hoặc Nghị định 119/2018/NĐ-CP, nếu cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin mà tiếp tục sử dụng hóa đơn theo các hình thức nêu trên thì cơ sở kinh doanh thực hiện gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế theo Mẫu số 03/DL-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này cùng với việc nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng.

Trên đây là chi tiết các hình thức hóa đơn theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP có sự thay đổi và bổ sung so với quy định cũ. Hy vọng thông qua bài viết này, doanh nghiệp đã nắm bắt được những thông tin về hình thức hóa đơn theo quy định tại Nghị định 123 cũng như thời điểm và cách triển khai áp dụng những hình thức hóa đơn này trong giai đoạn chuyển tiếp. 

Phần mềm hóa đơn điện tử CyberBill

  • VPGD: Tầng 4, tòa nhà T608B, Tôn Quang Phiệt, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội
  • Hotline: 1900 2038
  • Websitehttps://cyberbill.vn/
  • Email: kinhdoanh@cyberlotus.com
Nef Digital SEOON