Giá trị pháp lý của giao dịch điện tử, chứng từ điện tử theo Nghị định mới ban hành  

GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ, CHỨNG TỬ ĐIỆN TỬ THEO NGHỊ ĐỊNH MỚI BAN HÀNH 

Ngày 24/12/2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/02/2019. Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính và Nghị định số 156/2016/NĐ-CP ngày 21/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2007/NĐ-CP hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định số 165/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.

Nghị định số 165/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 27 nhằm khẳng định và cụ thể hóa giá trị pháp lý của giao dịch điện tử và chứng từ điện tử trong hoạt động tài chính, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, góp phần thực hiện các mục tiêu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; giảm gánh nặng chi phí đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập quốc tế.

Nghị định gồm 3 Chương và 22 Điều:

Chương I – Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 4):

Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Nguyên tắc giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.

Đối tượng áp dụng: Cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tra cứu, xác minh thông tin về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong phạm vi pháp luật cho phép.

Chương II – Quy định cụ thể (từ Điều 5 đến Điều 16):

Giá trị pháp lý của chứng từ điện tử. Chuyển từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử. Chuyển từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy. Sửa đổi chứng từ điện tử. Lưu trữ chứng từ điện tử. Hủy hiệu lực của chứng từ điện tử. Tiêu hủy chứng từ điện tử. Niêm phong chứng từ điện tử. Quy định đối với hệ thống thông tin. Bảo đảm an toàn trong giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Sử dụng dịch vụ người trung gian trong giao dịch điện tử. Xác minh thông tin về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.

Chứng từ điện tử phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về quản lý nhà nước, phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành. Hình thức thể hiện, việc khởi tạo, gửi, nhận chứng từ điện tử và giá trị pháp lý của chứng từ điện tử được thực hiện theo Luật giao dịch điện tử.

Chứng từ điện tử có giá trị là bản gốc khi được thực hiện một trong các biện pháp sau: Chứng từ điện tử được ký số bởi cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khỏi tạo chứng từ điện tử và cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm liên quan theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Hệ thống thông tin có biện pháp bảo đảm toàn vẹn chứng từ điện tử trong quá trình truyền gửi, nhận, lưu trữ trên hệ thống; ghi nhận cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân đã khởi tạo chứng từ điện tử và cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm liên quan đã tham gia xử lý chứng từ điện tử. Áp dụng một trong các biện pháp sau để xác thực cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi tạo chứng từ điện tử và cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm liên quan tham gia xử lý chứng từ điện tử: Xác thực bằng chứng thư số, xác thực bằng sinh trắc học, xác thực từ hai yếu tố trở lên, trong đó có yếu tố là mã xác thực dùng một lần hoặc mã xác thực ngẫu nhiên.

Phương thức chuyển đổi từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử: Chứng từ giấy được chuyển thành điện tử bằng hình thức sao chụp và chuyển thành tệp tin trên hệ thống thông tin, hoặc nội dung của chứng từ giấy được chuyển thành dữ liệu để lưu vào hệ thống thông tin…

Chứng từ điện tử được lưu trữ theo quy định của pháp luật chuyên ngành, phù hợp với môi trường, điều kiện lưu trữ điện tử và các quy định có liên quan của pháp luật về lưu trữ. Cơ quan, đơn vị thực hiện lưu trữ chứng từ điện tử phải bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật giao dịch điện tử.

Chương III – Điều khoản thi hành (từ Điều 17 đến Điều 22):

Trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc sử dụng kết quả của giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Trách nhiệm của Bộ Tài chính. Trách nhiệm của cơ quan tài chính địa phương. Xử lý chuyển tiếp. Điều khoản thi hành.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính có trách nhiệm quản lý, giữ bí mật phương tiện, thông tin phục vụ việc ký số hoặc xác thực. Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng kết quả của giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính có trách nhiệm công nhận, sử dụng chứng từ điện tử theo giá trị pháp lý của chứng từ điện tử.

Bộ Tài chính có trách nhiệm xây dựng và triển khai lộ trình áp dụng giao dịch điện tử giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân với các cơ quan tài chính thuộc Bộ Tài chính; thiết lập kết nối, trao đổi thông tin về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính giữa cơ quan tài chính thuộc Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, tổ chức khác phù hợp với điều kiện thực tế và quy định của pháp luật.

Cơ quan tài chính địa phương có trách nhiệm xây dựng và triển khai lộ trình áp dụng giao dịch điện tử giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân với các cơ quan tài chính địa phương (dịch vụ công trực tuyến về tài chính tại địa phương).

Doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ người trung gian trong giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính được tiếp tục cung cấp dịch vụ người trung gian trong giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính theo quy định tại Nghị định này.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 02 năm 2019.

Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính và Nghị định số 156/2016/NĐ-CP ngày 21/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2007/NĐ-CP  hết hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 02 năm 2019.

Powered by BetterDocs

Nef Digital SEOON